Bệnh viêm mắt là một trong những bệnh lây lan và gây thiệt hại lớn trên đàn dê, để phòng và trị bệnh hiệu quả cần nắm vững một số kiến thức về nguyên nhân và cách phòng trị như sau:
1. Nguyên nhân và đặc điểm truyền lây của bệnh
– Dê bị viêm mắt do nguyên nhân cơ học, sau đó nhiễm khuẩn kế phát trong quá trình chăn thả hoặc nuôi nhốt tại chuồng bị dị vật như que, gai hoặc các loại lông, lá cây, bụi bẩn và chất thải rơi vào mắt.
– Viêm mắt do các vi khuẩn kế phát từ các bệnh gây viêm vú, viêm phổi, viêm khớp, viêm phế mạc…
2. Triệu chứng lâm sàng (biểu hiện bên ngoài của bệnh)
– Ban đầu bệnh nhẹ thì thấy vùng lông, da dưới mắt cạnh mắt bị ướt do nước mắt chảy nhiều sau đó kết mạc mắt đỏ và sưng.
– Sau vài ngày niêm mạc mắt xung huyết nặng, giác mạc mắt bị mờ một phần ở giữa hoặc mờ đục hoàn toàn nếu nặng hơn thì có thể thấy loét giác mạc, con vật đau mắt khó chịu, mắt nhắm hờ và hay nháy mắt. Nếu cả hai mắt bị mờ hoặc loét thì thấy dê sút cân rõ rệt do dê không ăn được.
– Một số con viêm mắt nhưng mắt không bị loét thì có thể tự khỏi trong khoảng 1 – 2 tuần.
3. Phòng và trị bệnh
– Chăm sóc và quản lý đàn dê khi chăn thả nhằm tránh dê ngã, lăn dốc hoặc húc nhau.
– Loại bỏ dị vật ở bãi chăn và chuồng nuôi tránh tổn thương cho dê, giữ vệ sinh chuồng nuôi.
– Khi dê có triệu chứng viêm cần tiến hành rửa mắt cho dê bằng dung dịch nước muối loãng nồng độ 15‰ hoặc dùng nước sôi để nguội rửa sạch bụi bẩn, ngoại vật và các chất nhầy.
– Dùng các loại thuốc nhỏ mắt dạng mỡ như Tetracyclin bôi vào mắt dê sẽ đem lại hiệu quả tốt, các loại thuốc nhỏ mắt nhóm Chloramphenicol có tác dụng rất tốt nhưng không dùng cho dê nuôi lấy sữa vì kháng sinh sẽ tồn lưu trong sữa gây hại cho người.
– Trường hợp mắt kéo màng, dùng sulphát kẽm 10% nhỏ 2 – 3 lần/ngày.
– Nếu đàn dê mắc nhiều hoặc mắc các bệnh như viêm vú hay viêm phổi thì cần phải điều trị triệt để bằng kháng sinh cho khỏi các bệnh trên và kết hợp với vệ sinh và dùng thuốc nhỏ mắt.