Ngày nay, cùng với sự phát triển của các kỹ thuật chẩn đoán trong nhãn khoa, nhiều thiết bị mới đã được ứng dụng trong việc chẩn đoán các bệnh nhãn khoa nói chung và các bệnh lý võng mạc vùng hoàng điểm, gai thị nói riêng. Trong đó chụp cắt lớp võng mạc OCT (Optical coherence Tomography) là một phương pháp rất mới được ứng dụng không chỉ để chẩn đoán các bệnh võng mạc, gai thị như các phương pháp trước đây mà còn cho phép đánh giá sự tiến triển của các tổn thương trong quá trình theo dõi, điều trị, nó đã được sử dụng rộng rãi ở các nước phát triển. Tuy nhiên, OCT mới chỉ có ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chưa được sử dụng rộng rãi ở các cơ sở khám chữa bệnh khác, chi phí còn cao.
OCT là phương pháp sử dụng nguyên lý ánh sáng, trong qua trình thăm khám không tiếp xúc trực tiếp với mắt do đó không gây ra tai biến, biến chứng, khó chịu cho bệnh nhân
OCT kết hợp với các phương pháp chẩn đoán khác như siêu âm, chụp mạch huỳnh quang…cho các bác sỹ 1 hình ảnh đầy đủ về võng mạc và gai thị.
ỨNG DỤNG CỦA OCT
Ứng dụng của OCT trong chẩn đoán và theo dõi các bệnh võng mạc hoàng điểm:
+ Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch: thấy được dịch tích tụ giữa lớp thần kinh cảm thụ và lớp biểu mô sắc tố của võng mạc, đo được kích thước của khối dịch. Ngoài ra còn có thể xác định vị trí của điểm dò qua vị trí tổn hại hoặc bong lớp biểu mô sắc tố.
+ Bệnh lỗ hoàng điểm: xác định có lỗ hoàng điểm, đo được kích thước của lỗ hoàng điểm, có thể thấy được co kéo dịch kính võng mạc gây ra lỗ hoàng điểm và chiều chiều dầy võng mạc vùng xung quanh lỗ hoàng điểm.
+ Phù hoàng điểm: đặc biệt là phù hoàng điểm dạng nang. Cho phép đánh giá mức độ phù hoàng điểm qua việc đánh giá chiều dầy của vùng hoàng điểm phù.
+ Màng trước võng mạc co kéo dịch kính võng mạc
+Phù võng mạc trong các bệnh khác nhau như : tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc, bệnh võng mạc đái tháo đường…
+ Ngoài ra còn ứng dụng trong nhiều bệnh khác như: bệnh thoái hoá hoàng điểm tuổi già, tân mạch võng mạc, tân mạch dưới võng mạc… ứng dụng của OCT trong chẩn đoán và theo dõi các bệnh gai thị đặc biệt là đánh giá mức độ tổn hại gai thị trong bệnh lý glôcôm: nhiều nghiên cứu cho thấy tổn hại sớm nhất trong bệnh glôcôm là tổn hại lớp sợi thần kinh quanh gai thị, nó còn xuất hiện sớm hơn so với sự tổn hại thị trường. Do vậy, sử dụng OCT để đánh giá chiều dầy lớp sợi thần kinh quanh gai thị trong bệnh glôcôm rất có giá trị trong việc chẩn đoán sớm bệnh glôcôm. như đã đề cập ở phần trên OCT còn cho phép lưu giữ và so sánh kết quả giữa các lần thăm khám, do vậy rất dễ dàng giúp cho bác sỹ điều trị theo dõi sự tiến triển của bệnh trong quá trình điều trị. Ngoài ra OCT còn đánh giá mức độ teo lõm gai thị, tỉ lệ C/D theo đường kính dọc, ngang, theo diện tích, đánh giá viền thần kinh gai thị …
Ngoài ra OCT còn được sử dụng trong các bệnh lý gai thị khác như phù gai thị, teo gai…
Tuy nhiên, do OCT sử dụng nguyên lý ánh sáng do đó nó có một số hạn chế nhất định, không thực hiện được OCT trong những trường hợp sau:
– Đồng tử co nhỏ < 3mm
– Đục môi trường trong suốt của mắt như: sẹo giác mạc, thuỷ dịch vẩn đục, đục thuỷ tinh thể, đục dịch kinh, xuất huyết dịch kính…
– Trẻ em hoặc bệnh nhân quá già yếu không phối hợp trong quá trình thăm khám
– Bệnh nhân không định thị được do thị lực kém.
Như vậy, chụp cắt lớp võng mạc (OCT) là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh mới được ứng dụng trong việc chẩn đoán các mắt,giúp ích rất nhiều cho các bác sỹ trong việc chẩn đoán đặc biệt là chẩn đoán sớm bệnh lý võng mạc, gai thị một cách khách quan. Không chỉ vậy, nó còn có giá trị trong việc theo dõi sự tiến triển của bệnh trong quá trình điều trị. Với nguyên lý sử dụng ánh sáng và là phương pháp không tiếp xúc khi thăm khám do vậy nó không gây ra các tai biến, biến chứng trong quá trình thăm khám. Với những ưu điểm như vậy, OCT là một bước tiến mới trong quá trình chẩn đoán các bệnh võng mạc, gai thị.